Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Sản xuất bánh tráng lề bằng công nghệ mới

Từ khi áp dụng công nghệ làm bánh tráng lề với lò sấy mới nhờ tài trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), Tổ hợp tác Hương Huệ (Bình Trị, Thăng Bình) đã có năng suất  hoạt động cao hơn.
Đoàn chuyên gia Nhật Bản (JICA) tham quan máy sấy bánh tráng. Ảnh: L.Đ.H.M
Đoàn chuyên gia Nhật Bản (JICA) tham quan máy sấy bánh tráng. Ảnh: L.Đ.H.M

Đây là mô hình thứ hai sau huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) lắp đặt hệ thống máy sấy cho việc sản xuất bánh tráng lề, nằm trong hợp phần của dự án “Phát triển kinh tế địa phương nhờ sự phát triển sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ lấy trọng tâm và trạm dừng nghỉ đường bộ Bình An”. 

Theo bà Đặng Thị Hương - chủ Tổ hợp tác Hương Huệ, trước đây khi chưa có máy sấy, bánh chỉ được làm trong mùa nắng nhưng hàng lại không bán đủ, từ khi có máy rồi thì cả mùa mưa lẫn nắng đều sản xuất liên tục, thời điểm cận tết, hàng sản xuất lại càng nhiều. “Trung bình mỗi ngày cơ sở chúng tôi sản xuất 500kg trở lên, mùa nắng bánh làm ra rất tốt nhưng tiêu thụ chậm, nhưng mùa này làm không ra mà tiêu thụ rất mạnh, ngày có thể bán cả tấn cũng được” - Bà Hương cho biết. 

Hiện nay Tổ hợp tác này đã mở thêm cơ sở 2 ở tỉnh Bình Thuận, mỗi ngày cơ sở tại Bình Thuận chuyển thêm về Quảng Nam 200kg nữa để tiêu thụ trong dịp tết. Ông Mineyoshi Ueki (đại điện tổ chức JICA) nhận xét: “Bên Nhật đã nhận được báo cáo đầy đủ phía Việt Nam các thiết bị sấy đã được đầu tư lắp đặt đầy đủ và năng suất tăng lên gấp bội, thế nhưng khi tận mắt chứng kiến công trình tại đây chúng tôi rất ngạc nhiên, điều này đã  khích lệ rất lớn đối với đơn vị tài trợ và bà con nhân dân địa phương có được thiết bị công nghệ cao để sản xuất lâu dài”.

Ông Hoàng Châu Sinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Quảng Nam, Phó ban Thường trực Ban quản lý dự án cho hay, dự án được triển khai trong 3 năm (2013-2016) và là dự án đầu tiên mà Nhật Bản thực hiện tại Quảng Nam. Trong năm đầu đã hoàn thiện nhà máy bánh tráng lề của Bình Trị, máy sấy nông sản tại Bình Sa, khai trương cửa hàng bán rau sạch của Hợp tác xã Mỹ Hưng (Bình Triều) và hình thành góc văn hóa quảng bá giới thiệu văn hóa du lịch tại “cửa hàng nông dân” bên trong Trạm dừng nghỉ Bình An (Thăng Bình) và hỗ trợ thiết bị sản xuất hương trầm tại Tiên Phước. Năm 2014, các chuyên gia Nhật Bản sẽ tổ chức cho bà con nông dân trong tỉnh khảo sát thực tế học tập mô hình “nhất thôn nhất phẩm tại Thái Lan”. 

Riêng công nghệ sấy bánh tráng lề là hợp phần khá thành công được các chuyên gia của tổ chức tài trợ đánh giá khá cao, bởi lẽ bánh tráng lề là một mặt hàng có sức hút trên thị trường. “Rõ ràng, việc kết hợp công nghệ sấy bánh tráng tiến bộ hơn bên cạnh các kỹ thuật truyền thống đã giúp người dân tăng năng suất lao động, lợi nhuận sản phẩm cao hơn và giải quyết được bài toán lao động của địa phương” - Ông Sinh nói.
LỮ ĐINH HÀ MY

Khi nghề bánh tráng được áp dụng công nghệ

Khi công ty Trương Hiệp Thạnh chào hàng bánh tráng sạch, khách hàng Nhật và Mỹ đòi đến xem nhà máy sản xuất mới tin. Thấy dây chuyền điều khiển tự động trên các công đoạn vào bột, tráng, hấp và sấy, công nhân chỉ thực hiện công đoạn cắt bánh đã sấy khô (bằng máy) và đóng gói, khách hàng an tâm về tiêu chuẩn vệ sinh.


Một dây chuyền tráng – hấp và sấy bánh tráng khép kín vừa được công ty TNHH chế biến thực phẩm Trương Hiệp Thạnh (Long An) đưa vào vận hành ba tháng nay, nâng công suất lên 6 – 7 tấn bánh thành phẩm trong 24 giờ. Ông Trương Tuấn Nghĩa, giám đốc công ty cùng đội ngũ kỹ thuật của mình lại tiếp tục nghiên cứu công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất khép kín để làm những loại bánh tráng có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nâng cấp cho nghề thủ công

Có thể nói ông Trương Tường Minh và con trai Trương Tuấn Nghĩa là người khai sinh dây chuyền khép kín sản xuất bánh tráng, đưa một nghề thủ công lên sản xuất công nghiệp hoàn toàn.

Từ năm 1980, ông Minh đã là nhà xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm Việt Nam. Khoảng năm 2004, ông Minh nhận được đề nghị xuất bánh tráng, nhưng khi ông đặt các nơi cơ sở ở miền Đông Nam bộ và TP.HCM xuất đi thì bị trả về mấy lần, vì làm thủ công không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Đã chắc chắn có những thị trường lớn mà bỏ thì thật đáng tiếc, ông Minh quyết định sản xuất để kiểm soát chất lượng. Năm 2005, ông Minh lập thêm công ty TNHH chế biến thực phẩm Trương Hiệp Thạnh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, dồn hết vốn liếng vào việc xây dựng một nhà máy sản xuất bánh tráng khép kín từ khâu đưa bột vào đến ra chiếc bánh tráng khô đóng gói ngay.


Một dây chuyền tráng – hấp và sấy bánh tráng khép kín vừa được công ty TNHH chế biến thực phẩm Trương Hiệp Thạnh (Long An) đưa vào vận hành.

Lúc đó, trên thị trường đã có nhiều nhà cung cấp máy tráng – hấp bánh tráng, hầu hết được cải tiến từ máy làm hủ tíu, bánh phở, nhưng ông Minh tìm mãi không có nơi nào có công nghệ sấy bánh tráng. Các cơ sở sản xuất bánh tráng vẫn phải phơi ngoài trời hoặc trong nhà. Ông Minh và con trai Trương Tuấn Nghĩa tự mày mò, phác thảo hệ thống khép kín sản xuất bánh tráng công nghiệp theo tiêu chuẩn sạch, trao đổi với kỹ sư cơ khí để nhờ họ giúp thiết kế. Vất vả hai năm lắp máy, chạy thử, kiểm tra chất lượng bánh…, bỏ đi hết một dàn máy, đến năm 2007 dàn máy thứ hai mới hình thành được như ý, chi phí đầu tư cho nhà máy bị lố đi khoảng 30% so với dự toán. Công suất dây chuyền đầu tiên là 3,5 tấn bánh tráng thành phẩm trong 24 giờ.

Khi công ty Trương Hiệp Thạnh chào hàng bánh tráng sạch, khách hàng Nhật và Mỹ đòi đến xem nhà máy sản xuất mới tin. Thấy dây chuyền điều khiển tự động trên các công đoạn vào bột, tráng, hấp và sấy, công nhân chỉ thực hiện công đoạn cắt bánh đã sấy khô (bằng máy) và đóng gói, khách hàng an tâm về tiêu chuẩn vệ sinh. Tháng 8.2007, Trương Hiệp Thạnh xuất 21 tấn bánh tráng đầu tiên, giá cao hơn bánh làm thủ công hoặc bán thủ công đến 30%. Nhớ lúc đó chúng tôi hỏi: “Người ta có vốn đang đầu tư vào bất động sản để mau sinh lời, sao ông lại đi theo việc sản xuất mặt hàng bình dân như bánh tráng”, ông Minh đã trả lời: “Có thể đối với người khác là tầm thường nhưng với cha con tôi, ý nghĩa lắm. Tỷ lệ lợi nhuận thấp, thu hồi vốn sẽ chậm nhưng tôi tin bánh tráng sẽ là một đặc sản quảng bá Việt Nam, vì có nhiều món ăn Việt Nam làm từ bánh tráng đang được nước ngoài yêu thích. Phát triển thị trường đòi hỏi kiên trì, quan trọng là tạo dựng uy tín. Khách yêu cầu bánh tráng phải trăm cái như nhau, lành lặn không được thủng lỗ nhỏ nào và tôi đã làm họ hài lòng”.

Ông Nghĩa thổ lộ, máy làm bánh tráng thật ra chưa có công nghệ nào hoàn chỉnh cả, nên hai cha con vẫn tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đến lần thứ ba thì tỷ lệ bánh tráng đạt loại A tăng được 70 – 80%. Tâm huyết của hai cha con mới đi được quãng đường ngắn, còn bao nhiêu điều ấp ủ, thì tháng 3.2010, ông Minh qua đời. Ông Nghĩa vẫn kiên trì theo đuổi ước vọng của hai cha con.

Không dừng đam mê

Khách hàng ở Mỹ, Nhật tăng sản lượng nhập khẩu bánh tráng mỗi năm, công ty Trương Hiệp Thạnh nay có thêm khách hàng ở Canada, Úc, đòi hỏi công suất nhà máy phải tăng. Lần thứ năm, ông Nghĩa cùng chính đội ngũ kỹ thuật cơ khí của nhà máy đã thiết kế dây chuyền mới, tăng công suất lên gấp đôi, bánh loại A trên 90%, mà chi phí đầu tư thấp hơn trước. Ông nói khó nhất là khách hàng Nhật, họ đòi bánh tráng có màu trắng đồng nhất, mặt bánh láng không một lỗ li ti, độ dày bánh phải đều nhau và đúng trọng lượng yêu cầu, nên công ty phải dùng cân điện tử để cân từng chiếc bánh khi đóng gói. Thật vui khi dây chuyền mới này đạt yêu cầu khó đó.

Ông Nghĩa tâm sự mỗi ngày ông càng thấy đam mê nghiên cứu bánh tráng, lúc nào trong giấc ngủ cũng thấy máy làm bánh tráng, đang ngủ bật thức dậy vẽ, tính toán. Thành công khi làm được sản phẩm khó khiến ông vui hơn kiếm được nhiều tiền. Ông tin công ty sẽ đầu tư ngày càng ít chi phí vì đã biết cách tính toán vật liệu làm để máy bền, chạy tốt, làm ra bánh đạt cao mà tiêu hao nguyên liệu ít hơn, khâu công nhân phân loại và đóng gói bánh tráng cũng làm việc khoẻ hơn.

Ông Nghĩa và cộng sự đang nghiên cứu làm bánh tráng da cuốn chả giò cũng bằng dây chuyền tráng – hấp – sấy, nhưng kỹ thuật đòi hỏi khó hơn để đạt yêu cầu bánh khi cuốn chả giò chiên sẽ giòn tan ngay cả khi nguội và màu chả giò chiên phải vàng ánh. Hiện đã có những cơ sở xuất bánh tráng da cuốn chả giò dạng tươi đông lạnh, chỉ bảo quản được 2 – 3 tháng. Khách hàng gợi ý Trương Hiệp Thạnh sản xuất bánh tráng da cuốn chả giò sấy khô có thể bảo quản cả năm và không mất công trữ lạnh.

Xuất khẩu đã nhiều, ông Nghĩa cũng nghĩ đến việc đưa sản phẩm vào thị trường nội địa. Thế nhưng, băn khoăn nhất hiện nay của ông là các siêu thị yêu cầu mức chiết khấu quá cao nên muốn đưa giá hợp lý nhất đến người tiêu dùng rất khó.
Theo SGTT

Bún khô

(TBKTSG Online) - Bún được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo. Nhưng khác bún tươi là vì nó... khô nên thường gọi là bún gạo hay bún gạo khô. Bún khô là thực phẩm khá quen thuộc với người dân vùng Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.



Các món ăn từ bún khô vừa đơn giản trong cách chế biến lại vừa ngon và lạ miệng. Ảnh: Kim Loan


Những ngày trời nắng nhiều là lúc thích hợp nhất để làm bún khô. Gạo vo sạch, ngâm mềm, xay mịn rồi tráng thành những cái bánh như mì lá nhưng mỏng hơn, xắt thành sợi dài, phơi khô. Nắng càng giòn thì bún càng khô, càng ngon, bảo quản được lâu, không sợ bị mốc. Vào những ngày nắng nóng, những nong bún trắng ngần, tỏa hương thơm dìu dịu của gạo, dần khô dưới nắng vàng óng ả tạo nên nét đẹp bình dị, mộc mạc và thân thương cho các vùng quê. Nếu gặp ngày trời nắng không tốt thì phải sấy bún thật kỹ, tuy nhiên bún sấy không ngon và không thơm như bún được phơi khô dưới nắng mặt trời.

Trong các gia đình, bún khô thường được các bà nội trợ làm hoặc mua về để sẵn trong nhà. Những hôm bận rộn không đi chợ được hay nhà có khách đột xuất thì chỉ cần một ít bún khô ngâm với nước lã mười lăm phút cho mềm, vớt ra để ráo là có thể làm thành nhiều món ăn ngon miệng.
Bún khô xào là món ăn quen thuộc và dễ chế biến nhất. Phi thơm dầu phộng với hành rồi cho bún vào xào, thêm gia vị vừa ăn. Món bún xào sẽ ngon hơn khi được xào với thịt bò, thịt lợn thăn, tôm đất, tép đồng hay nấm rơm. Những ngày mưa sụt sùi ở quê, dạo quanh vườn tìm nắm nấm mối mang vào rửa sạch rồi xào với bún khô thì ngon không gì bằng.

Bún khô. Ảnh: Kim Loan

Với món bún trộn thì phải xào bún với dầu phộng cho thơm rồi trộn với các nguyên liệu đã được sơ chế như tôm đất, thịt heo ba chỉ xắt lát, thịt xíu hay nhộng tằm. Thêm nước mắm chua ngọt, đậu phộng rang, các loại rau mùi như hành, ngò, quế, tiêu bột, trộn đều cho các nguyên liệu thấm gia vị. Bún khô trộn ăn rất lạ miệng, thơm ngon.

Vào những ngày giỗ chạp, người dân xứ Quảng - Đà thường nấu canh bún khô để cúng ông bà thay vì dùng miến như các vùng miền khác. Nguyên liệu phổ biến nhất cho món canh này gồm bún khô, nước luộc gà và lòng gà.


  Các món ăn từ bún khô có thể được xem như thức ăn dùng ăn kèm với cơm nhưng cũng có thể được dùng như món ăn chính thay cơm, vừa ngon, lạ , rẻ tiền mà không hề bị ngán dù ăn đến no bụng.


Nếu có dịp đến miền Trung, bạn hãy một lần thưởng  thức những món ngon bình dị từ loại bún khô thân thương này nhé, và đừng quên mua vài cân bún khô mang về làm quà cho người thân.

Kim Loan - thời báo kinh tế sài gòn online

Sấy bánh tráng, miến dong, bún khô, mì chũ

Sấy bánh tráng, miến dong, bún khô, mì chũ: - Các loại thực phẩm bánh tráng, miến dong, bún khô, mì chũ ... được sản xuất từ các loại bột, có độ mịn, độ hồ cao. Yêu cầu sấy là việc đảm bảo vệ sinh an toàn, sản phẩm sấy không được nhiễm khuẩn, không có trứng côn trùng, không bị nhiễm khói ... 



Trong trường hợp sấy ở nhiệt cao các sản phẩm này thường bị hồ hóa ngăn chặn việc thoát ẩm bên trong dẫn đến hiện tượng ngấm ẩm sau sấy mà chúng ta thường gọi là hồi ẩm.

Đối với loại sản phẩm này thì buồng sấy là phù hợp nhất, sản phẩm được đặt lên phên hoặc sào sau đó đưa vào buồng sấy.


Đối với thiết bị sấy chúng tôi cung cấp, quý khách hàng có thể không cần phải đầu tư mới bộ phên hoặc sào phơi.

Thiết bị sấy có diện tích lắp đặt nhỏ gọn, công suất sấy cao, không cần nhiều nhân lực. Nguồn nhiên liệu sử dụng tùy theo yêu cầu phía khách hàng : củi, trấu, mùn cưa ... Chế tạo trong nước, dễ thay thế, bảo dường, bảo hành tại chỗ thời gian 12 tháng.

Giá thành lắp đặt tùy thuộc vào công suất và kiểu thiết bị. Phục vụ trên cả nước và quốc gia lân cận.